2008: Khi CNTT-TT đã ngấm…

CNTT-TT Việt Nam đã trải qua những sự kiện lớn trong năm 2007. Những người làm và khai thác, sử dụng CNTT-TT đã sải được những bước tiến dài, rộng và “vấp” vài hố sâu.


Dù chỉ mới có chừng 1/5 – 1/4 dân số toàn quốc thường xuyên tiếp xúc với máy tính và Internet, khoảng 1/3 dân số thường xuyên sử dụng các trang thiết bị CNTT, không thể phủ nhận CNTT-TT đã ngấm vào nền kinh tế nói riêng và đời sống xã hội Việt Nam nói chung.

Làm được và chưa làm được!

Một bộ phận trong xã hội vẫn cho rằng “Máy tính làm được hết!”. Thực sự là không thể nhưng suy nghĩ này cũng có tác dụng quảng cáo rất tốt cho CNTT. Mỗi máy tính được điều khiển bởi một (vài) hệ điều hành nào đó với những phần mềm ứng dụngcụ thể chỉ giải quyết được một số lượng hữu hạn nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, theo số lượng phần mềm cài đặt, số lượng nhiệm vụ máy tính đảm đương được có thể là rất lớn.

Với những doanh nghiệp (DN) mới thành lập, do vốn liếng hạn chế, việc đầu tư vào trang thiết bị, trong đó có cả máy tính còn gặp nhiều trở ngại. Các DN thường chỉ “qua” được giai đoạn mua phần cứng, khá hơn thì mua hệ điều hành và ứng dụng văn phòng, không nhiều DN sử dụng các phần mềm chức năng - nghiệp vụ như kế toán, quản trị doanh nghiệp, quản lý quan hệ khách hàng… Thế nhưng, điều đáng để DN đầu tư lại nằm ở những phần mềm chức năng này.


Nếu DN quyết tâm, đầu tư ngay những phần mềm phục vụ trực tiếp hoạt động kinh doanh của mình, những đồng vốn đó sẽ giúp DN làm được những công việc mà trước sau đều phải làm một cách tốt nhất. Trong trường hợp này, vốn (chuyển thành máy) sẽ thay người giải quyết những phần việc không ai làm thay được (đây là kinh doanh dựa vào vốn). Cũng là sản phẩm trí tuệ nhưng phần mềm cho phép tự động hoá hàng loạt công việc hay toàn bộ quy trình nên có nó, hoạt động của DN sẽ sớm được chuẩn hoá.

Ở tầm quốc gia, hệ thống CNTT-TT có thể giải quyết được những bài toán lớn (đảm bảo thông tin thông suốt trên Internet chẳng hạn). Thế nhưng, để giải quyết những bài toán lớn hơn như đã từng đặt ra trong các chương trình CNTT-TT quốc gia, trong đó có đề án 112 thì nền hành chính, nền kinh tế và cả nền công nghệ nước nhà phải có thêm nhiều điều kiện nữa.

Khi mới ra đời, siêu máy tính cũng chỉ được các nhà khoa học gán cho chức năng chính là tính toán dự báo thời tiết. Nay, để các hệ thống máy tính tham gia vào các công việc chưa được chuẩn hoá hoàn toàn hay vẫn ít nhiều “trừu tượng” như điều hành bộ máy hành chính nhà nước, các nước - trong đó có Việt Nam - phải thực hành công tác nghiên cứu – triển khai (theo hướng này) nhiều hơn nữa. Nếu đến thời điểm cuối 2008, Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu tất cả công chức biết sử dụng phần mềm ứng dụng văn phòng và Internet thì đã là quá tốt.


Thị trường quan trọng bậc nhất

Thị trường CNTT phát triển, bệnh viện máy tính phát triển theo.
Thị trường CNTT-TT (bao gồm mua bán trang thiết bị, giải pháp, phần mềm và các dịch vụ) ở Việt Nam là một trong những mảng thị trường “nóng” nhưng chưa thu được nhiều tít đậm trên các trang báo của năm 2007. Trong năm 2007, quan tâm về thị trường đều có khuynh hướng nói về chứng khoán hoặc bất động sản – những thứ tuy có ít người thực sự đụng chạm nhưng do giá trị lớn nên được cả xã hội theo dõi. Nhưng dù có được đề cập ít hay nhiều, thị trường CNTT-TT luôn luôn đầy ắp người bán sỉ, bán lẻ, kẻ mua nhiều, mua ít với những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt như RAM, chip, ổ cứng hay bút nhớ… giá chỉ “vài chục – vài trăm” (USD)...

“Tổng thị trường máy tính cá nhân (PC) quý 3/2007 là 329.000, tăng 32% so với cùng kỳ 2006. IDC đánh giá thị trường quý 3/2007 là bước đệm tốt và đầy tiềm năng cho mùa mua sắm cuối năm, đặc biệt với các dự án của phân khúc chính phủ và các DN. Trong đó, lượng PC để bàn và MTXT tăng trưởng lần lượt 45% và 141% so với cùng kỳ 2006. IDC nhận định rằng thị trường đang dần chuyển biến theo hướng tích cực với xu hướng tăng cao lượng MTXT nhờ vào các cải thiện về mặt giá cả, chất lượng và thiết kế. Trong năm 2008, tổng lượng PC nhập khẩu vào Việt Nam dự báo đạt 1.769.000 chiếc, trong đó, lượng PC để bàn dự báo tăng 25% và MTXT dự báo tăng 52%” – Báo cáo “Nghiên cứu thị trường PC hàng quý, quý 3/2007” của IDC Vietnam.

Nghiên cứu thị trường máy tính Việt Nam của IDC chỉ cho ta thông tin về máy tính để bàn và MTXT, không đề cập các trang thiết bị mua thêm, mua để nâng cấp… Tuy nhiên, nội chừng đó cũng đủ cho thấy, một năm sau khi gia nhập WTO, thị trường trang thiết bị CNTT-TT ở Việt Nam đang ở kỳ tăng trưởng rất cao. Một nguồn tin tin cậy khác là tổng cục Hải Quan cũng cho thấy xu hướng tăng trưởng này. Trong số liệu xuất nhập khẩu chính ngạch tháng 10/2007 có thông tin “Xuất nhập khẩu trang thiết bị tin học 10 tháng của năm 2007 đã đạt 2.742 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ 2006”. Chỉ với xuất nhập khẩu chính ngạch, thị trường của các trang thiết bị CNTT (chủ yếu là bo mạch, máy in, linh kiện…) đã vào khoảng 3 tỷ USD/năm. Để biết chi tiết có bao nhiêu trong số đó hiện diện trên các quầy kệ CNTT, bạn chỉ cần bỏ chút công sức bóc tách số liệu. Đáp số (tiền tỷ USD) được cho là… đủ lớn!

Một khi CNTT-TT đã trở thành công cụ làm việc và giải trí chính tại văn phòng và gia đình, một sự cố bất kỳ gây gián đoạn công việc hay khiến người dùng phải ngừng cuộc chơi đều khó có thể bỏ qua. Cũng do thông tin có đặc thù riêng và đặc biệt quan trọng nên mọi người thường có khuynh hướng khắc phục nhanh nhất các sự cố liên quan. Phải thừa nhận, thị trường trang thiết bị, giải pháp, phần mềm, dịch vụ CNTT-TT đang có vai trò rất quan trọng bậc. Thật vậy, ngoài với con người, cũng chỉ có các hệ thống máy tính là có bệnh viện và các trung tâm ứng cứu khẩn cấp (cấp cứu).

Xây dựng xã hội thông tin tốt đẹp

Khái niệm xã hội thông tin hiện được chấp nhận rộng rãi với một điều kiện: CNTT đóng vai trò công cụ then chốt. Thực sự thì xã hội thông tin xuất hiện từ khi con người tiến lên hệ thống thông tin chữ viết - công cụ xử lý, lưu giữ và lan truyền thông tin hữu hiệu ở tình huống lịch sử ra đời của nó, chỉ thiếu mỗi chức năng là tự động hoá. Ngày nay, xã hội bắt đầu sống bằng và vì một lượng thông tin cực lớn được xử lý tự động nhờ công nghệ tính toán, bao quát hầu hết phạm vi cuộc sống từ học tập đến công việc; chữa bệnh và nghỉ ngơi, mua sắm và giải trí.

Một game thủ có thể trả vài chục USD cho một tựa game bản quyền hay, như người khác mua một đĩa nhạc hay phim hay vậy. Game thủ đắm mình vào game đó, trải qua những giờ phút giải trí (nếu chơi cho vui) hoặc hình thành trong đầu quy trình kiếm tiền từ game đó (nếu chơi chuyên nghiệp). Trường hợp game thủ chơi để kiếm sống, không cần giải thích thêm ý nghĩa cụm từ xã hội thông tin ứng vào anh ta. Nếu game thủ lại thuộc tuýp người thứ 3, chơi cho vui nhưng kể lại cho người khác bằng bài viết thì khái niệm xã hội thông tin ứng với anh ta càng đúng: tiền bán bản quyền bài viết giúp game thủ vừa mua được game tiếp theo – vừa mang sự trải nghiệm đến cho mọi người. Người mua đĩa nhạc, đĩa phim cũng vậy. Khi tiến lên đến mức người nghe hay xem chuyên nghiệp… có thể sống bằng các bài bình luận về thông tin đó hay bằng những chuyển thể nghệ thuật từ chúng thì có lẽ xã hội thông tin sẽ toàn thắng.

Vậy, xã hội thông tin đã xuất hiện ở Việt Nam chưa? Với những đòi hỏi cao thì chưa: Vì một bộ phận quá nửa dân số vẫn chưa tiếp cận được với CNTT-TT. Chỉ có thể khắc phục vấn đề này sau thời gian đủ dài (đến 2015 – 2020) để nền kinh tế tiến lên đẳng cấp mới với các vùng nông thôn cũng có tiềm lực đủ mạnh và bộ phận dân cư chưa tiếp cận được công nghệ hôm nay nỗ lực vươn lên - tự đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam đã có những hình mẫu: hầu như toàn bộ giới truyền thông Việt Nam chuyển tải thông tin nhờ CNTT và sống bằng thông tin; những nhà quảng cáo chuyên nghiệp hơn ai hết sử dụng thành thạo CNTT, làm thông tin quảng cáo và sống bằng nó…

Trong dân cư, hình thức xây dựng và duy trì nhật ký trên mạng (blog) cũng là một minh họa tốt cho xã hội thông tin. Hiện tượng blog bẩn trong năm 2007 chỉ nói lên một điều: Ngay cả những người tiếp cận được với CNTT cũng chưa hoàn toàn sẵn sàng xây dựng một xã hội thông tin tốt đẹp. Trong xã hội thông tin, công cụ không bao giờ có lỗi, blog cũng vậy. Chỉ có những người vận hành các công cụ đó với mục đích xấu thì có lỗi, với mục đích tốt thì có công. Trong năm 2008, Internet Việt Nam nói chung và blog nói riêng vẫn sẽ là các đối tượng được quan tâm nhất.

Nguyễn Như Dũng

->Xem chi tiết...