Lợi thế từ những cái “bắt tay”


Lĩnh vực sản xuất máy tính của Việt Nam sắp bước sang giai đoạn mới, không cạnh tranh hoàn toàn mà vừa cạnh tranh vừa hợp tác!

Trong một cuộc chơi nào đó, số người tham gia và luật chơi sẽ đảm bảo được ai trong số họ cũng có cơ hội ngang bằng nhau, ai cũng có thể thắng. Lý thuyết trò chơi gọi đó là điểm cân bằng. Điểm cân bằng bị phá vỡ khi người chơi có một lợi thế và sử dụng nó một cách hợp lệ để giành phần thắng.

Quá trình phát triển của thị trường máy tính Việt Nam cho tới thời điểm này tương tự một trò chơi giữa các thương hiệu máy tính trong ngoài nước. Ở một thời điểm các công ty có một cách khác nhau để phá vỡ thế cân bằng nhằm vươn lên phía trước, có thế là giá, có thể là thương hiệu..., và, bây giờ là cách của những cái “bắt tay”. Đi đầu cho phong cách này là FPT Elead: Tháng 10/2007 FPT Elead công bố trở thành đối tác lắp rắp máy tính cho HP và NEC.

Trong tháng 9/2007, công ty nghiên cứu thị trường Gfk công bố, máy tính để bàn loại lắp ráp thủ công chiếm 70% và máy bộ thương hiệu trong ngoài nước chiếm 30% thị trường máy tính để bàn Việt Nam. Vậy là FPT Elead đã nhanh chân hơn so với các công ty máy tính thương hiệu Việt để “chinh phục” thị phần 70% còn lại thật quá lớn này.

Giá trị của cái bắt tay

Cách đây 3 năm, khi FPT Elead dẫn đầu bảng xếp hạng bình chọn máy tính ưa chuộng nhất của tạp chí Thế Giới Vi Tính, HP đứng hạng 3. Năm nay, HP đã giành lấy vị trí số 1. Tất nhiên, không phải do thứ hạng thay đổi mà FPT Elead bắt tay với HP mà đây là một chiến lược “tựa vai” người khổng lồ để tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh của mình so với các đấu thủ trong nước khác.

Cái được đầu tiên của FPT Elead là nâng cao uy tín về chất lượng sản phẩm. Nhìn lại những năm 2005, 2006, FPT Elead luôn nằm trong top đầu của nhiều giải thưởng khác như giải hàng Việt Nam chất lượng cao, thương hiệu mạnh... Tuy nhiên tất cả những danh hiệu đó đều ở phạm vi trong nước, và FPT Elead sản xuất máy tính cho HP, công ty bán máy tính số 1 thế giới, có nghĩa rằng chất lượng sản xuất đã được nâng lên, FPT Elead có cơ sở khẳng định rằng họ đã đáp ứng được những yêu cầu từ quốc tế. Không chỉ có HP đã ký kết với FPT mà NEC, một công ty máy tính nổi tiếng của Nhật Bản, cũng đã thỏa thuận với FPT Elead trong việc lắp ráp các dòng máy tính cung cấp cho thị trường các cơ quan chính phủ và giáo dục.

Cái được thứ hai, FPT được hưởng sự cộng hưởng sức mạnh lan tỏa của HP và NEC. Một chương trình quảng cáo để có thể tiếp cận được nhiều người thì thời gian diễn ra cần đủ lâu với cường độ liên tục. HP là một tập đoàn đa quốc gia và hàng đầu thế giới, họ đủ tài chính để tạo ra một luồng sự kiện và FPT Elead có thể tận dụng kênh truyền thông đó để loan báo về sản phẩm của mình mà không phải tốn quá nhiều chi phí.

Còn cái khác là FPT tiếp tục giữ được khoảng cách với các công ty máy tính cạnh tranh trong nước. Nếu lấy hình mẫu FPT Elead cho các công ty sản xuất máy tính khác của Việt Nam thì họ phải trải qua lần lượt từng bước như đầu tư nhà máy sản xuất hiện đại, xây dựng chuẩn chất lượng, xây dựng thương hiệu... Hiện chỉ có CMS, TVB và Nguyễn Hoàng là có dây chuyền sản xuất, các thương hiệu khác vẫn dựa nhiều vào công nghệ “tuốc vít”.

Những cú bắt tay tương tự

Cạnh tranh không có nghĩa là đứng một mình mà còn có cả liên kết, liên minh lại với nhau thành một tổ chức mới, mạnh hơn, khó đánh bại hơn. Sau cái bắt tay của FPT với HP không lâu, ngày 12/10/2007 câu lạc bộ (CLB) các Doanh Nghiệp Sản Xuất Máy Tính Việt Nam ra đời. Gồm 7 công ty tên tuổi trong lãnh vực sản xuất máy tính trong nước. Đặc biệt FPT Elead cũng là thành viên và hai thành viên khác có dây chuyền sản xuất công nghiệp là CMS và VTB.

Hành động các công ty trong nước liên kết lại với nhau như một điều phải làm. Mặc dù trong CLB có cả FPT Elead nhưng đó là tình thế buộc những công ty trong nước cùng ngồi lại nếu muốn giữ vững thị phần và uy tín thương hiệu. Có thể ngay lúc này ý nghĩa CLB chưa phát huy rõ ràng nhưng đó lại là nền tảng để cùng chia sẻ lợi thế của mỗi công ty cho thành viên khác, tạo ra một lực lượng vừa có sức mạnh vừa có thị trường cho tất cả.

Trong CLB có đến 3 công ty có nhà máy sản xuất máy tính theo dây chuyền công nghiệp là CMS, TVB và FPT Elead. Các công ty này có thể là đối tác chính cho các thành viên trong trong CLB hoặc những đại gia nước ngoài như Acer, Dell, Lenovo... Và khả năng FPT Elead tiếp tục trở thành đối tác gia công cho các công ty khác là có nhưng không cao. Bởi FPT Elead cần tập trung vì thực chất, FPT Elead cũng phải cạnh tranh với HP bằng sản phẩm của mình. Tháng 11/2007 rồi, CMC Distribution đã có bước “xã giao” là phân phối máy tính Acer cho thấy CMS lắp ráp máy tính cho Acer tại Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tính theo số lượng, cũng đã có 4 công ty (tính thêm Nguyễn Hoàng Corp.) đạt chuẩn lắp ráp máy công nghiệp. Các công ty không có thế mạnh sỡ hữu nhà máy sản xuất sẽ giải quyết được bài toán chất lượng sản phẩm bằng cách thuê gia công và tập trung vào kinh doanh. Công ty tiếp tục phát triển kinh doanh bằng dòng máy tính thương hiệu của mình và cung cấp thiết bị chất lượng cao. Bởi máy tính lắp ráp vẫn tồn tại, nhưng thị trường này lại có yêu cầu khắt khe, họ có thể là sinh viên sành kỹ thuật, các game thủ và người ham mê công nghệ.

Trong tương lai, nhiều công ty sẽ sắp xếp lại mục tiêu cũng như thay đổi định hướng chiến lược phát triển của mình theo mối tương quan mới. Và lợi thế “tựa vai” người khổng lồ sẽ giúp một số công ty đạt những lợi thế ban đầu nhưng sẽ không là tuyệt đối và ý thức cạnh tranh sẽ tạo ra một điểm cân bằng mới.

Hải Phạm

->Xem chi tiết...